Tuesday, October 7, 2014

Những người về hưu sống như thế nào?


      
 

                                                         Nguyễn Thượng Chánh/Chí Linh Thời Mới
 Đến một lúc nào đó, chúng ta cũng phải ngưng làm việc để nghỉ hưu. Đây là một giai đoạn mới vô cùng quan trọng trong cuộc đời của mỗi người. Tuy luật không không bắt buộc phải nghỉ khi bạn tròn 65 tuổi. Đây là tuổi qui định của luật pháp để được lãnh tiền gìà. Nếu bạn đi làm công cho chính phủ hoặc các công ty.  Còn trường hợp bạn tự làm chủ, thì muốn nghỉ lúc nào tùy ý.
       


Nhiều thay đổi trong cuộc sống.
      
Thời gian nghỉ hưu thường tạo ra nhiều thay đổi trong đời sống.  Đó có thể là thay đổi chỗ ở và phải hòa mình vào một hoàn cảnh mới, cũng bởi lý do này, nên có nhiều bạn phải chịu mất đi một số bạn bè và những mối giao tiếp xã hội.  Bạn cũng có thể bán nhà, để dọn đến những nơi ở gần với con cái hơn.
      
Có bạn chọn giải pháp mua condo để cho đỡ phải dọn dẹp, săn sóc vườn tược....cũng như để thuận tiện khi đi du lịch trong một thời gian dài. Cũng có người thích dùng thời gian này để làm những công tác từ thiện.
       

Đi du lịch
      

Điều kiện là cần phải có sức khỏe và tài chánh. Đi du lịch xa là cái mode thường thấy nhất trong mấy năm đầu khi vừa mới nghỉ hưu. Lúc mới nghỉ hưu mọi người thường có khuynh hướng đi du lịch nhiều. Từ 75 tuổi , sức khoẻ yếu dần, hay mỏi mệt bất thường nên sự hăng say đi du lịch cũng giảm bớt..
      
Các tuors du lịch xa có guide hướng dẫn rất được giới cao niên ưa chuộng vì tiện lợi. Mọi người cũng thường đặt ưu tiên, trong chuyện du lịch về Việt Nam trong chương trình du lịch của họ, kế đến qua Mỹ và các nước Châu Âu, trước là đi chơi, sau là tiện thể ghé thăm bà con hay bạn bè....
      
Có kẻ thích đi tuors Trung quốc, đi hành hương ở Ấn Độ,..... Người thích đi tuors nghỉ mát tại những bờ biển thơ mộng ở các quần đảo vùng Caribbean, Mexcico hay Cuba......Bạn bè chí thân thường rủ nhau đi chung cho vui....Tùy theo mùa, giá cả sẽ khác nhau. Trung bình, nguyên trọn gói, bao vé máy bay khứ hồi, ăn ở một tuần trong hotel 4 sao của resort khoảng từ 1300 - $1500.
      
Nếu là mùa ế ( low season ) giá có thể rẻ đi rất nhiều. Cũng có thể theo tuors du thuyền cruise trong một tuần lễ tại vùng biển Caribbean. Ghé qua các đảo như Saint Martin, Sainte Croix, Sait Kitts, Vergin Islands, Grenada.......cũng có người đi các tours vùng Nam Mỹ, Panama.....hoặc tours vùng Hawaii, tours Alaska xem gấu trắng.
      
Các tours du thuyền vùng Caribbean tàu chạy ban đêm cho tới sáng, lúc 7 giờ là sẽ cập bến vào một hòn đảo. 8 giờ sáng là bắt đầu cho du khách lên bờ chơi, đi đâu thì đi nhưng phải xuống tàu trước lúc 5 giờ chiều.
     
Có 80% du khách là người cao niên. Có người lại thính đi các tours du thuyền lâu... nhiều tuần bên Âu Châu hay Á Châu, mục đích là thăm được nhiều xứ.. Du thuyền Princess Cruise ghé qua nhiều nước như Thái Lan, Singapore, Tp Sài Gòn, Hồng Kông, Tp Busan Nam Hàn ......
      
Tours du thuyền có thể được xem là sang trọng và thích hợp với những người cao tuổi. Nhưng có một sự thật là:  đi đâu lâu ngày, khi trở về nhà của mình, thì thấy khỏe gì đâu.  Được nằm trên cái giường của mình thì không có gì sung sướng và hạnh phúc cho bằng !
       
Mỗi ngày những người nghỉ hưu thường hay đi đâu ?       

Sáng sáng, dân nghỉ hưu thường hay đến mấy thương xá, tiệm cà phê bình dân, ngồi chùm nhum với nhau để đấu láo và ngó thiên hạ đi qua, đi lại. Hẹn nhau ra quán cà phê tâm sự là giải pháp hay nhất, thích hợp nhất của đám đàn ông. Tha hồ ăn tục, nói phét, tha hồ dòm ngó, mà khỏi sợ mấy bà bắt lỗi sửa lưng, làm cụt hứng.
      
Tại Quận Cam/Westminster, thương xá Phước Lộc Thọ được xem là nơi hẹn hò, tụ họp của các đồng hương cao niên. Các bà thường có thú đi la cà, đi tà tà, đi vòng vòng... trong thương xá. Hết tiệm này. đến tiệm khác để rửa mắt windowshopping mà thôi. Vô tiệm, lấy cái này, rờ cái kia, ướm lên người, đeo vào cổ, lại xem kiếng, rồi ẹo qua.... ẹo lại, rồi bỏ món hàng trở vào chỗ cũ... thì cũng thấy sướng rồi.
       
Shopping là cái thú của phụ nữ, để giúp họ giảm đi stress. Vậy các ông nên thông cảm cho mấy bà. Các ông thì ngồi chờ tại các băng đá ngoài hành lang, ngắm cô đi qua, ngắm bà đi lại, ngáp ngắn, ngáp dài. Có ông thì đọc sách, đọc báo.....
      
Cũng có một số ít các cụ nhà ta rất có lòng từ tâm và hào hiệp.... hoặc muốn tự thưởng cho họ....sau bao năm dài đằng đẳng.... làm việc vất vả, nên thường hay du lịch về Việt Nam, trước thăm mồ mả ông bà..... luôn tiện giúp các cháu gái xinh đẹp thoát cảnh nghèo đói để đổi đời, cả hai bên đều có lợi..... Nghe các cháu gọi họ bằng anh... xưng em... ngọt sớt thì cũng thấy sướng tê người, trẻ ra được 30 tuổi rồi.
      
Với số tiền trợ cấp khi về hưu  (pension ) hay còn gọi là tiền già $1000 USD/tháng nhưng về bển thì tha hồ mà ăn chơi, phè phỡn, dư sức qua cầu gió bay! Nhưng coi chừng bị mắc các bệnh nan y về tình dục....
      
Đa số người già rất rảnh rỗi, đôi lúc được con cái nhờ cậy giữ cháu nhỏ hộ một hai ngày. Đây thật sự là một niềm vui của các bậc ông bà hay những cụ cao niên !
      
Ngoài ra người lớn tuổi đều có ý thức và quan tâm đến vấn đề sức khỏe, nên họ thường rất siêng năng luyện tập thể dục, thí dụ như đi bộ, thường thấy nhiều nhất, tập tài chi, dưỡng sinh, khí công, dịch cân kinh, aerobic, chơi golf, đánh tennis, ping pong, hoặc đánh cờ tướng với nhau.....Đó là chưa kể các môn rửa xe, xúc tuyết, lau nhà, hút bụi, đổ rác, xách giỏ cho bà nhà.....đều là những môn thể dục rất tốt và rất thiền.
     
Sang hơn nữa ....thì ghi tên vào các club thể dục thẩm mỹ để tập thì càng vui hơn. Một số cụ thì quan tâm đến việc tu hành, thiền định để tìm sự an lạc cho tinh thần cũng như để chuẩn bị cho kiếp sau !
     
Chán quá !
     
Cũng có người cảm thấy quá nhàn rỗi.....Không biết làm gì trong ngày, hết đứng, thì ngồi, ra vô, đi tới, đi lui, ngó trước, ngó sau, hết ngồi, rồi nằm. Vào phòng nghiền ngẫm internet, check email. Ra salon mở tivi. Đọc báo, hết tờ nọ đến tờ kia. Rồi lướt qua tin xe cán chó, đến các mục quảng cáo bán nhà, sang nhà hàng, sang tiệm nails đang đông khách.
      
Kế đến là mục tìm bạn bốn phương, tại sao có nhiều phụ nữ đẹp, hiền, công dung ngôn hạnh ...vậy mà vẫn còn cô đơn, hẩm hiu thấy tội nghiệp quá vậy ? Rồi làm luôn tất cả các tin vui, lẫn tin buồn, cáo phó phân ưu cho biết .....Chừng nào tới phiên mìmh đây.
     
Tình trạng này nếu kéo dài sẽ khiến các cụ dễ rơi vào sự buồn chán hay trầm cảm. Riêng người viết bài này thì không có việc gì đặc biệt cả.
      
Đời sống vợ chồng lúc nghỉ hưu
      

Trong gia đình, sự chạm mặt hằng ngày dễ làm xẹt điện, đưa đến khẩu chiến, thầy bói gọi là khắc khẩu hay khắc tuổi. Có lẽ tại vì già nên tánh tình thay đổi, khiến vợ chồng thường hay kiếm chuyện cằn nhằn với nhau... về những cái gì .....thiệt là không đâu, lãng nhách... hà. Nhưng phải nhìn nhận là hình như mấy bà có phần chủ động khởi xướng chiến tranh hơn là các ông.
      
Thực tế cho thấy, đàn ông và đàn bà, càng già càng khó chịu với nhau. Cái khác biệt là mỗi người ( thường là vợ ) dám nói ra và nói hoài, nói mãi, khiến đối phương khó chịu.....tới muốn khùng..... luôn, nhưng các ông cũng phải cố gắng làm thinh..... mà lẩm bẩm mấy câu thần chú ....của ông bà ngày xưa đã dạy
       
Vợ giận thì chồng bớt lời,
        

Cơm sôi bớt lửa, chẳng đời nào khê. ( Chân Lý )
       
Những năm cuối của cuộc đời, vì sức khoẻ kém, nên có cụ cần phải được giúp đỡ trong sinh hoặt hằng ngày, có cụ chọn giải pháp vô trong nhà dành cho người già ( retirement home ) cũng có cụ phải vô viện dưỡng lão để có người săn sóc cho đến ngày ra đi. Ôi sao mà thê thảm thế!
       
Chuẩn bị nghỉ hưu
        
Chuẩn bị tư tưởng trước khi nghỉ hưu.
        
* Phải ý thức rằng mình đã già rồi, cần phải nghỉ ngơi, để đi đây, đi đó, khi vẫn còn đầy đủ sức khỏe
        
* Bệnh hoạn có thể đến với bạn bất cứ lúc nào
        
* Nghỉ hưu để vui sống với vợ, với chồng, mà hình như mấy chục năm nay chúng ta không có thể sống cho nhau một cách trọn vẹn.... vì sự bôn ba về sinh kế, về con cái.....
       
* Nghỉ hưu để có thể có nhiều thời gian, bên cạnh các cháu nội ngoại, để nhìn thấy chúng trưởng thành
       
* Nghỉ hưu để mỗi sáng tĩnh lặng.... có thể bên cạnh tách cà phê nóng, cùng thảnh thơi nghe tiếng chim hót líu lo sau nhà, hay nhìn ngắm những giọt sương đêm còn lấp lánh đọng trên các tàng cây ngoài mái hiên nhà, hoặc thong thả.... thưởng thức hoàng hôn... mặt trời toả đủ màu sắc, trước khi lặn......
      
Muốn cho sự nghỉ hưu được tốt đẹp, không nhiều sóng gió, thì chúng ta cần phải tạo cho mình một lịch trình sinh hoặt đều đặn, để nó trở thành một sự quen thuộc trong cuộc sống và chúng ta phải tuyệt đối tuân thủ theo.
      
Đừng bao giờ để bị rơi vào tình trạng quá rảnh rỗi, vì sẽ dễ đưa đến sự buồn chán
      
Kết luận
       
Cần phải về hưu lúc chúng ta còn sức khỏe, để đi đây đi đó, còn cứ mãi chần chờ đến lúc ngồi xe lăn hay hui nhị tỳ thì có hối tiếc cũng không kịp. Con cái đều đã lớn và có gia đình riêng, nhà trống vắng, chỉ còn có đôi ta, mặc sức mà lớn tiếng.....cãi qua, cãi lại mà không cần phải lo bị người khác nghe thấy....

          
Nghỉ hưu, một giai đoạn mới trong cuộc đời, bắt đầu với không đồng hồ, không ngày, không tháng, không stress, muốn ngủ lúc nào, muốn thức lúc nào, ăn lúc nào, ăn làm sao, cho dù mưa rơi hay bão tuyết ...cũng chẳng làm cho ta lo lắng nao lòng.
      
Ôi, tự do ơi, một lần nữa ta chào đón mi bằng cả hai tay và......cả hai chân.
      
Đối với người viết bài này, thì nghỉ hưu là sự khám phá ra cái đẹp. Trước nay, tôi chưa từng có thời giờ để nhận thấy nét mỹ quan của các cháu tôi, của vợ tôi và của hoa lá cành ngoài ngõ, và cả cái đẹp của thời gian nữa.....
      
Tôi đã nghỉ hưu - giã từ căng thẳng, chào đón hưu liễm

                                                     

Chuyện phiếm.....Tôi bán cái mộ của tôi

 
                                                                          Bùi Bảo Trúc/Chí Linh Thời Mới
Thỉnh thoảng, trong những trang rao vặt có vài lời rao rất kỳ lạ. Nhưng có lẽ không một lời rao nào lại nổi da gà như lời rao dưới đây trên một tờ báo Việt Ngữ.

 
Những lần trước, là lời rao bán hai lô đất, chủ muốn bán lại giá rẻ. Đọc là thấy ngay có chuyện bất ổn ở trong. Chủ của hai lô đất có thể đã có những hứa hẹn, những cam kết với một người nào đó. Nhưng cục diện thay đổi, những cam kết đó không thể thực hiện được nữa. Một người đã có những cam kết mới khác, không lẽ giữ khư khư hai lô đất trong khi nhu cầu chỉ có một. Bán là phải. Đi chỗ khác để khỏi bận tâm ai sẽ nằm cạnh nữa là điều hợp lý.

Một lần, người rao viết rõ là muốn bán vì không cần nữa. Đọc xong tôi chỉ muốn liên lạc ngay, nhưng không để mua lô đất ấy, mà để hỏi tại sao người có lô đất đó không cần nữa. Ông hay bà chủ lô đất đã tìm ra bí quyết sống để sống lâu bất tận?

Lại có lời rao bán nhiều lô đất. Nhiều là bao nhiêu? Hai (2) là con số thông thường và dễ hiểu. Nhưng ba, bốn, năm thì tại sao lại mua nhiều như thế? Chẳng lẽ mua trước, để dành dùng dần cho con, cháu? Vì khi nhìn mấy đứa con rồi chạy vội ra nghĩa trang mua năm bẩy lô đất, định bụng đứa này ở đây, đứa kia ở đó, thỉnh thoảng muốn mè nheo chúng thì có thể khều chân bọn nó để đánh thức chúng dậy mà nghe giảng mo-ran? Cha mẹ gì mà kỳ thế? Nhìn mấy đứa con là nghĩ ngay ra chỗ để chôn chúng.

Nếu không phải là con thì là ai? Chẳng lẽ để cho các mối tình đầu số một, mối tình đầu số hai, mối tình đầu số ba, mối tình đầu số bốn ư?

Nhưng lời rao vặt trong tờ báo Việt Ngữ tôi đang cầm trên tay mới là kỳ lạ nhất.

Xin thay đổi nơi chốn và số điện thoại để tôn trọng người trong cuộc. Đoạn lời rao như thế này: 

"Tôi có mộ ở Rosehill, ai cần tôi nhường lại L/L. 714 -XXX-XXXX."

Đây không phải là lời rao bán đất nghĩa trang như những quảng cáo khác. Mộ là cái mã, đã có có xác chết ở dưới, đất đã được lấp lại. Lời rao cho biết người có mộ ở Rosehill. Nghĩa là người rao bán đã nằm trong mộ rồi.

Tôi có mộ ở Rosehill, nghĩa là mộ của tôi ở Rosehill. Tôi bán cái mộ của tôi ở Rosehill.

Ai đã xuống dưới ấy nằm rồi mà còn rao bán nơi mình đang nằm? Có người mua thì chuyện gì sẽ xảy ra? Người dưới mộ sẽ tự dọn đi chỗ khác?

Trời cuối thu rồi em ở đây?

Nằm trong đất lạnh chắc em sầu

Thu ơi đánh thức hồn ma dậy

Ta muốn vào thăm nấm mộ sâu (Đinh Hùng)

Vậy ra ông Đinh Hùng có làm được việc ghé thăm nàng? Nhưng ghé lại gọi cửa vào thăm xem tình trạng như thế nào thì chắc không phải là việc nhà thơ họ Đinh đã làm. Phiền lắm.

Tưởng tượng gõ cửa, một tiếng hú rợn tóc gáy vọng từ dưới lên, rồi một tiếng cười lộng óc mời vào nhờ...thế chỗ cho người ở dưới dọn đi Las Vegas chơi cho vui thì làm sao.

Phải nhờ chuyên viên địa ốc, nộp đơn làm cái "lôn", được cho mượn cái "lôn í dì" (loan easy?) rồi mới tính tiếp được. Nhưng trước tiên, phải có nhu cầu cái đã. Lời rao nói rõ "ai cần tôi nhường lại."

Mà nhu cầu thì hiện nay chưa có. Vẫn còn chơi trò tham sinh, úy tử lắm. Thế nên, đọc xong cái quãng cáo cũng không cầm điện thoại lên gọi  hỏi thăm làm gì.

Tuổi già hải ngoại và Internet

 


                                                                         BS Nguyễn Thượng Chánh/Sống
Ngày nay việc sử dụng Internet được xem như là một phần trong sinh hoạt hằng ngày của đa số chúng ta. Internet là tai mắt và đồng thời cũng là sợi dây liên lạc (email, chat) giữa mọi người với nhau.
 
 

Chúng ta, trong đó có bạn và cả tôi nữa, ít nhiều đều là dân ghiền Internet chẳng khác nào mình ghiền… một loại ma túy tinh thần nào đó.

Lợi ích của Internet thì đã quá rõ ràng rồi, tuy nhiên nó cũng đã bị một số người chỉ trích và kết án thậm tệ như là một trong nhiều nguyên nhân gây nên tội phạm trong xã hội.

Ngoài ra, nó còn bị American Psychiatric Association gán thêm cho một tội khác nữa, đó là việc lạm dụng Internet một cách thái quá có thể làm cho người sử dụng bị xáo trộn về tâm thần, một hiện tượng mà các nhà tâm lý học gọi là Internet addiction disorder hay IAD.

Cũng may là American Medical Association đã không nhìn nhận IAD là chẩn đoán của một bệnh lý thật thụ. 

Tuổi già và Internet tại Hoa Kỳ

Riêng đối với người cao tuổi tại Hoa Kỳ, The Nielson Company cho biết số senior sử dụng Internet đã tăng 55% từ 11.3 triệu cụ Nov 2004 lên 17.5 triệu Nov 2009. Số giờ các cụ ngồi gõ internet cũng tăng 11% trong khoảng thời gian 5 năm nói trên nghĩa là từ khoảng 52 giờ trong một tháng lên trên 58 giờ /tháng.

Hiệp hội người hưu trí Hoa Kỳ (AARP) cho biết có lối 40% những người trên 50 tuổi nói rằng họ rất thoải mái mỗi khi sử dụng internet đặc biệt là các mạng xã hội chẳng hạn như Facebook, Linked In, và Twitter.

Trong số 1360 cụ được thăm dò thì có 27% đã kết nối vào các trang mạng xã hội.

Internet giúp họ có thêm kiến thức về thế giới. 31% cụ thường sử dụng Facebook và trong nhóm nầy có 73% dùng trang Facebook để liên lạc với thân nhân và con cháu.

Phúc trình của Nielson Company cho biết email cá nhân là cách liên lạc phổ biến nhất của các cụ trên 65 tuổi, sau đó là xem và in bản đồ, thời tiết, xem hóa đơn, trả tiền online, xem và gởi hình ảnh, đọc và nghe tin tức, tìm hiểu các thông tin liên quan đến vấn đề sức khỏe, hoạch định kế hoạch đi du lịch, nghiên cứu thực đơn nấu nướng, tham khảo tình hình tài chánh, thị trường chứng khoán…

Một cái ghiền dễ thương

Một khảo cứu về việc sử dụng Internet và cell phone do JWT Survey thực hiện trên 1011 người Hoa kỳ từ 18 tuổi trở lên gồm có 42% đàn ông và 58% đàn bà, đã đi đến kết luận là dân Mỹ đứng đầu thế giới về vụ ghiền Internet.



Cell phone và Internet chiếm một chỗ đứng quan trọng trong đời sống của người Mỹ, bởi vậy nếu hỏi họ có thể chịu đựng được bao lâu nếu không có Internet thì:

* 21% trả lời hai ngày

* 19% trả lời vài ngày

* một trong năm người trả lời là họ có thể chịu đựng được một tuần lễ.

*Bất luận tuổi tác, 59% đàn ông và 50% đàn bà đều có thể chịu đựng tình trạng thiếu Internet chỉ trong vài ba ngày mà thôi.

Cảm giác chung của họ là nếu vì lý do nào đó mà không có Internet khi họ muốn, thì họ có cảm tưởng như hơi thiếu một cái gì đó rất quan trọng.

Nói chung, 28% người được thăm dò nhìn nhận họ dành rất ít thời giờ cho những sự tiếp xúc trực tiếp mặt đối mặt, vì họ bận xem Internet hoặc Cell phone hoặc nghe nhạc mp3 hay bận chơi games điện tử.

Còn 20% thú nhận dành ít thời gian hơn lúc xưa cho những chuyện vật lộn trên giừơng!

Xem email bất cứ chỗ nào
 
- 25% thú nhận thường đem Internet lên tận giường ngủ (laptop hoặc cell phone) để xem. Trước khi ngủ, họ check email cuối cùng và đôi khi họ ngủ quên mà trong tay vẫn còn cầm cái cell phone.

- 43% cho biết họ để email mở thường trực cạnh bên giường để có thể nhận biết giữa đêm nếu có ai gởi mail đến.

- 59% người Mỹ đọc email khi vừa về tới nhà.

- Đọc ở nhà chưa đủ, một số 12% còn xách laptop hoặc mang cell phone theo vô nhà thờ để check email trong lúc Cha đang làm lễ ở phía trước.

- 37% check email lúc họ đang lái xe.

- 53% check email luôn cả lúc họ đang ở trong phòng toilet. 

Chơi game và nghe nhạc

Thật không ngờ chính phái nữ có nhiều máy để chơi games nhất: 44% ở phụ nữ so với 39% ở nam giới.

34% người được thăm dò cho biết họ có iPod hoặc dụng cụ cá nhân khác để nghe nhạc.

Đa số là giới trẻ chiếm 49% so với 15% những người trên 55 tuổi.

Internet thay đổi lối sống của nhiều người

- 73% người được thăm dò cho biết họ đã thay đổi cách mua sắm của họ. Càng ngày họ càng có khuynh hướng mua sắm kiểu online nghĩa là qua Internet.

- Internet được rất nhiều người ưa thích vì tính tiện dụng của nó.

- Internet giúp chúng ta phương tiện trau dồi kiến thức và sự hiểu biết qua hai công cụ tìm kiếm rất thực tiển đó là Google và Yahoo. Kế đến, email cá nhân thường được tham khảo qua cái laptop hoặc qua iphone cá nhân.

Có một điểm tiện lợi là các địa chỉ Hotmail và Gmail có thể được mở ra xem ở bất cứ một computer nào khác hoặc kể cả qua iphone. Giới trẻ thường trao đổi tin tức cho nhau qua email.

Mười websites dẫn đầu về số lần truy cập 2011-2012

1- Google-USA

2-Facebook-USA

3- Youtube- USA

4- Yahoo-USA

5- Baidu.com-China

6- Wikipedia-USA

7- Blogger-USA

8- Window Live-USA

9- Twitter-USA

10- QQ.com-China

Internet sau khi qua đời: nỗi lo của người thân còn sống

Chúng ta tự hỏi, sau khi mình chết thì những trang mạng, facebook, compte email, v.v… của mình sẽ ra sao?

Sau đây là tóm lược từ bài "Internet après la mort" của Protegez vous.ca

Facebook:

Trên 300 triệu người sử dụng. Đây là nơi hẹn hò thường xuyên của dân internaute. Họ trao đổi tin tức, tâm sự, hình ảnh, v.v…

Sau khi viễn du tiên cảnh, chủ compte facebook để lại cho gia đình cũng như bạn bè cả khối hình ảnh và kỷ niệm còn ghi trong trang mạng xã hội nầy. Nhận thấy tầm quan trọng của vấn đề, facebook gom góp những điểm chánh yếu và làm một profile (hồ sơ-tiểu sử) của người quá cố. Lúc đó chỉ có những bạn của facebook mới có thể mở và gởi message của họ vào trong đó. Những thông tin quá nhạy cảm, như địa chỉ và tình trạng statut gia đình đều bị rút bỏ. Bạn bè và thân nhân không thể vào xem những message quá riêng tư của người khuất bóng.

Khi có lời yêu cầu từ gia đình, facebook sẽ đóng compte lại.


Gmail

Thân nhân có thể xin phép để được xem Gmail của người quá cố. Họ phải chứng minh là đại diện chánh thức và là người có trách nhiệm trong việc thừa kế. Phải trưng giấy khai tử và các bằng chứng đã có gởi message Gmail lúc trước, khi người đó còn sống. Các chứng từ có thể gởi cho Gmail bằng Fax hoặc qua bưu điện.

Yahoo

Lề lối bảo mật của Yahoo cao hơn Gmail và Hotmail. Trong bất cứ trường hợp, Yahoo không bao giờ cho phép người thân vào xem compte điện thư của người đã quá cố. Thân nhân có quyền xin Yahoo đóng compte lại.

Theo Yahoo, thân nhân có quyền vào xem compte người quá cố nếu tên của họ có ghi trong di chúc.


Window live hotmail

Hotmail tự động đóng bất cứ compte nào nếu không sử dụng trong 270 ngày và địa chỉ sẽ được phân phát cho người mới.

Muốn vào xem compte của người quá cố, người thân phải chứng ninh họ là người thừa kế, trình bằng lái xe và tờ khai tử. Có thể gởi qua fax hoặc bằng bưu điện.


Myspace

Không có đường lối rõ rệt. Khi có yêu cầu của thân nhân, Myspace có thể xóa bỏ compte của người đã chết.

Internet và tôi

Internet đã giúp tôi trau giồi thêm kiến thức, giải trí và thoát ly phần nào ra khỏi nỗi niềm cô đơn của tuổi hoàng hôn.

Bước đầu làm quen với Internet cũng rất khó khăn vì lớn tuổi nên rất bảo thủ và rất e ngại những kỹ thuật quá mới mẻ.

Nhưng các con tôi thì nhất quyết kéo, đẩy ông già tía của chúng nó vô làm quen với internet cho kịp với bước tiến của xã hội. Thú thật tôi rất lo.

Chủ động là thằng con trai của tôi. Lúc đó đang học trung học. Nó đi mua máy móc, lúc đầu thì mấy cái desktop PC to tổ chảng. Mua về nó tháo mở bung cái máy ra, lấp ráp thêm bộ phận nầy, gắn thêm cái nọ, load thêm chương trình kia…Nó tự làm. Tôi không biết nó học ở đâu và từ bao giờ nên tôi ngại quá. Lỡ ráp vô máy không chạy thì mất toi tiền. Nhưng rồi mọi việc cũng đều tốt đẹp. 

Sau một thời gian vài năm, nó biểu tôi quăng bỏ đi vì máy đó “hết hay”, chạy chậm và to quá, quê lắm. Mua laptop hay hơn, nhanh hơn và gọn hơn. Nó nói sao thì tôi nghe vậy chớ mình có biết ất giáp gì đâu. Chỉ biết hỏi nó là có tốn tiền lắm không.

Rồi nó chỉ tôi các cách sử dụng căn bản, load cho tôi cái fonts VN và một số program cần thiết khác, chỉ cách mở file, gởi bài đi v,v…Mấy cái chuyên như scan virus thì nó làm cho tôi lúc nào thấy cần vì nó nghĩ là nếu có chỉ tôi cũng không chắc gì tôi làm được như ý nó muốn.

Thế rồi năm 2006, nó lấy vợ và dọn sang miền Tây Canada lập nghiệp và làm việc luôn trong ngành computer… Nó đi qua bên dó xa gần 4000 km làm tôi chới với, biết hỏi ai bây giờ mỗi khi có problem về computer hay internet? Lo lắm. Lúc còn ở chung nhà với tôi, mỗi khi có rắc rối về máy móc, TV, đèn đuốc, laptop, v.v… hay không hiểu cái gì thì tôi chỉ cần réo lên một tiếng là nó chạy lại liền. Nó chỉ cần gõ lên bàn phím lốc cốc 6-7 cái là ok hết. Tôi cố nhìn theo nhưng không kịp. Có khi nó làm chậm lại và nói tôi phải nhìn cho kỹ, kỳ tới nếu có xảy ra problem nầy thì gõ y như vậy. Rồi nó trấn an tôi. “Không có gì phải lo hết. Nếu có problem, báo cho con biết con sẽ sửa cho”. Lúc đầu tôi không mấy hiểu nó muốn nói gì nhưng lúc sau nầy hể có problem là tôi email hay phone cho nó. Nó trả lời là phải gõ nút nầy nút nọ thì mình làm y vậy là ok.

Nếu thấy trường hợp khó thì nó nói “ Đừng tắt Internet, để tối con sửa cho. Goodnight Pa” Khi đó thi tôi mới hiểu là nó làm remote assistance.

Sáng sớm hôm sau, khi nhìn lên màn hình laptop thấy Notepad ghi chữ DONE.

Thở phào nhẹ nhõm.

Thật ra, có nhiều khi chuyện không có gì, chỉ cần gõ “đúng nút” là được. Sau nầy tôi “biết khôn” hơn, mỗi khi có problem lạ thì tôi vô google tìm trong các forum của những nạn nhân có cùng một vấn đề như mình. Họ chỉ cách giải quyết. Tóm lại vạn sự khởi đầu nan. Lúc đầu thì thấy khó vì chưa quen cách sử dụng mà thôi.

Tại sở làm, các đồng nghiệp của tôi đều thuộc thế hệ trẻ tuổi nên sử dụng computer và internet là chuyện quá tự nhiên. Họ chỉ dẫn tôi làm cái gì thì tôi biết cái đó, đủ để làm việc mà thôi. Tây họ gọi kiểu nầy là vừa làm vừa học (apprendre sur le tas).Còn khó quá, thì phone cho technical assistance của cơ quan nó giúp.

Còn nhớ, vào những năm 90, mỗi khi gởi rapport hay công văn thì thường là phải đánh máy và gởi qua bưu điện, vừa mất thời gian và vừa lâu lắc hết sức. Sau đó thì lần lần các thủ tục hành chánh đều đuợc làm bằng computer hết. Mỗi nhân viên CFIA đều được cơ quan cấp cho một địa chỉ email cá nhân với mã số đặc biệt của nhà nước… để sử dụng trong nội bộ với nhau.


Vui buồn một kiếp tha hương

 
“…Trong vòng vài chục năm gần đây, nhờ sự phổ biến rộng rãi của Internet, nên các bạn lớn tuổi của tôi đã có thêm được một nguồn vui mới – khiến làm tăng thêm phẩm chất của cuộc sống – và như vậy là có thêm điều kiện để thực hiện được cái lý tưởng “Sống lâu và Sống có ích” như nhiều người đã tâm niệm từ bấy lâu nay...”(Ngưng trích, Đoàn Thanh Liêm- Niềm vui của tuổi già trong thời đại internet)

Nhờ internet mà từ hơn 8 năm nay tôi thưòng xuyên gõ bài gởi đi khắp bốn phương trời…Đó là một niềm vui, một hobby của tôi trong tuổi xế chiều.

Tôi gõ để tự mình trau dồi thêm kiến thức, để tự học hỏi, để tự mình giải khuây, để khỏi nghĩ quẩn, để khỏi bị trầm cảm, để khỏi bị bệnh Alzeihmer, để thoát ly và cũng để giảm bớt stress trong cuộc sống, v.v...

Thế cho nên tôi gõ cho người đọc nhưng thật sự ra là tôi cũng đồng thời gõ cho chính tôi, cho cuộc sống của mình được thêm phần ý nghĩa hơn.

Tôi rất vui sướng vì ít ra mình cũng có nhiều may mắn và tự do làm được những gì mình ưa thích trên đời.

“Giờ đây đừng khóc sầu chi đàn ơi!
Lên vai cùng lê đôi gót tha hương.
Mình dìu nhau khắp nơi chân trời,
tìm vần thơ ngát hương đời
để dệt thành câu hát quê hương”
(Lam Phương- Kiếp tha hương)

Gọi là Ghiền Internet có đúng hay không?

Chắc là đúng thôi, nhưng không phải là một loại ghiền ghê gớm bệnh hoạn như ghiền rượu, ghiền thuốc lá, xì ke, ghiền casino, v.v…

Ghiền Internet có thể giúp chúng ta giải tỏa stress, giải khuây, thoát ly, thêm nhiều bạn bè mới, cải thiện mối giao tiếp xã hội, du lịch trong không gian, giúp chúng ta mở rộng tầm nhìn, tăng thêm kiến thức, v.v…

Nhờ đó, nó còn giúp chúng ta hiểu được thêm nhiều khía cạnh của nhân sinh cũng như các hỉ nộ ái ố cay đắng ngọt bùi trong cuộc sống!

Có nghiên cứu gần đây của Đại học Los Angeles cho thấy người già cả mà ghiền Internet thì tốt lắm vì các cụ sẽ cải thiện được trí nhớ rất nhiều. Theo thăm dò cá nhân, có lối 90% cao niên thường xem Internet trong ngày. Nhờ sử dụng internet mà các cụ cảm thấy bớt lẻ loi trống vắng nên bớt bị trầm cảm.

Theo Phoenix Center, việc sử dụng thường xuyên internet rất tốt cho sức khỏe tâm thần của người già và giúp cho họ tránh được bệnh trầm cảm và bệnh lú lẫn Alzheimer.Một khảo cứu của Semel Institute for Neuroscience and Human Behavior, đại học UCLA Hoa Kỳ cũng kết luận là Internet giúp kích thích não và cải thiện trí phán đoán.

[Theo các nhà chuyên môn về bệnh tâm thần thì vấn đề trầm cảm (depression) có khuynh hướng gia tăng trong nhóm người trung niên và cao niên VN sống tại Little Saigon-Quận Cam].(Theo newamericamedia. org-More Older Vietnamese American Seeking Help for Depression)

“Mental health professional and community volunteer Suzie Dong-Matsuda explained that although mental problems tends to be stigmatized among Vietnamese Americans, she is witnessing an increase in adults in midlife and older who seek help for depression among Vietnamese Americans in Orange County’s Little Saigon.”

Kết luận

Càng về già, cái gì cũng lần lần mất bớt đi hết…Cũng may, Internet đem đến những nguồn vui ảo giúp chúng ta sống những ngày còn lại không đến đổi quá vô vị.

Duy chỉ còn lại một vấn đề nho nhỏ là đôi khi em LapTop bị một sồ bà xem như là một tình địch đáng ngại của họ. Chuyện các bà ghen với cái computer cũng rất thường hay thấy xảy ra lắm.

Nhiều ông ôm computer suốt ngày, không thèm ngó ngàng gì đến chuyện trong nhà ngoài ngõ và thậm chí còn quên luôn sự hiện diện của bà nhà nữa nên bị mấy bả ghen, tức, cằn nhằn cự nự thì cũng không có gì là oan đâu.

Internet là con dao hai lưỡi, có mặt tốt nhưng cũng có mặt xấu của nó.

Nó là kho tàng kiến thức, nhưng dồng thời cũng là một cái thùng rác vĩ đại.

Điều quan trọng là chúng ta phải biết lựa chọn sao cho đúng mà thôi…Mà thế nào là đúng, thật khó biết?

Câu trả lời cũng còn tùy theo hoàn cảnh và cá tánh của mỗi người nữa.

Thôi, nếu thích quá thì cứ việc làm, cứ việc ghiền thả cửa đi. Đây là xứ tự do mà.

Lo làm chi cho thêm mệt. Cứ vui vẻ an hưởng tuổi già phải không các bạn./.

Những điều cần biết về tiền hưu tại Hoa Kỳ

 


                                                                                                          Hà Ngọc Cư/Sống
Bài viết dưới đây phần lớn trích dịch từ bài “25 Top Questions & Answers On Social Security” của tác gỉa Stan Hinden , đăng trên tạp chí AARP Bulletin (12/2010). 

 
Xin nhấn mạnh bài này chỉ nói về tiền hưu tức ‘Social Security Benefits’ chứ không phải là tiền SSI. 
 

Trong khi chính phủ Obama và đảng Cộng Hòa đang vật lộn về cắt giảm ngân sách , người đang thụ hưởng tiền Social Security, Medicare , Medicaid hồi hộp vì không hiểu lưỡi gươm “cắt ngân sách” có tha cho các trợ cấp này không vì:

Social Security, Medicare và Medicaid chiếm tới trên 40% ngân sách quốc gia.
         
Hiện có 53.6 triệu người Mỹ hưởng tiền Social Security Benefits (từ đây xin viết tắt là SS) trong đó 4.3 triệu trẻ em lĩnh trợ cấp hàng tháng

49% người lao động từ 55 tuổi trở lên cho biết họ chỉ dành dụm được dưới $50,000 cho tuổi hưu trí

Trung bình tiền hưu trí cho mỗi người là $1,172/tháng

24% góa phụ trên 65 tuổi hoàn toàn sống nhờ tiền hưu trí

Dưới đây là các câu hỏi thông dụng nhất.

1.      Hỏi: Tôi sắp 62 tuổi và dự định về hưu. Tôi sẽ bắt đầu như thế nào?

Đáp: Hãy lập thủ tục xin tiền SS khoảng 3 tháng trước khi xin tiền trợ cấp bằng cách đăng ký trên website: socialsecurity.gov/retireonline hoặc gọi cho số 1-800-772-1213. 

Hãy sửa sọan các giấy tờ sau: thẻ an sinh xã hội, khai sinh, bằng quốc tịch (nếu không sinh tại Mỹ), hoặc thẻ xanh và W-2 của năm trước hoặc giấy khai thuế (nếu self-employed)

2.      Hỏi: Tiền hưu của tôi được tính toán như thế nào?

Đáp: Tiền hưu được tính theo tổng số tiền mình đã kiếm được và đặt trọng tâm vào 35 năm mà mình kiếm được nhiều nhất. 

Mặt khác, người có lợi tức thấp được hưởng phần trăm cao hơn người có lợi tức cao. Năm 2010, tiền hưu trung bình là $1,172/tháng. 
Dĩ nhiên khi lĩnh hưu non thì tiền hưu ít hơn khi lĩnh ở tuổi hưu toàn phần (65 hoặc 67 tuỳ theo sinh trước hay sau năm 1938 bao nhiêu năm). 

Giả thử lĩnh tiền SS vào lúc 62 tuổi mà được $1.000/tháng thì tiền hưu lĩnh vào lúc tới tuổi hưu tòan phần sẽ là $1,333 (30% nhiều hơn) hoặc $1,750 vào tuổi 70. 

Nhiều người lĩnh vào lúc 62 tuổi vì nhiều lý do khác nhau. Xin cân nhắc hơn thiệt trước khi quyết định.

3 Hỏi: Nếu tái giá , tôi có được hưởng tiền SS dựa trên lao động của người chồng quá cố không?

Đáp: Có, nếu hội đủ một số điều kiện. Ta không thể hưởng trợ cấp của người góa nếu tái giá khi chưa tới 60 tuổi ngoại trừ khi hôn nhân thứ hai chấm dứt do ly dị hoặc hủy hôn. 

Nếu tái giá sau 60 tuổi (50 tuổi nếu tàn phế) thì mình vẫn được hưởng trợ cấp SS theo lao động của người chồng qúa cố. Khi 62 tuổi thì có quyền chọn trợ cấp SS theo lao động của người chồng mới nếu trợ cấp này cao hơn.

4.      Hỏi: Tại sao năm nay tiền SS không được điều chỉnh theo giá sinh họat (Cost-of-living adjustment, viết tắt là COLA) 

Đáp: Vì theo CPI (Consumer Price Index) giá sinh họat không thay đổi nên tiền SS không tăng

5. Hỏi: Tôi 56 tuổi và đang hưởng tiền tàn tật (disability Benefit) Khi nào thì trợ cấp của tôi được đổi thành trợ cấp SS thông thường. Và tiền trợ cấp hàng tháng có thay đổi không?

Đáp: Khi đến tuổi hưu toàn phần thì trợ cấp tàn tật tự động đổi thành trợ cấp SS thông thường, nhưng tiền trợ cấp hàng tháng không thay đổi.

6. Hỏi: Người bạn của tôi qua đời lúc 66 tuổi và khi sinh thời không xin tiền SS . Vậy số tiền bạn tôi đóng góp cho quỹ Social Security sẽ ra sao. Các con của bạn tôi có lãnh được tiền SS của bố không?

Đáp: Tiền ta đóng thuế SS được chạy vào một ngân quỹ dùng để trả trợ cấp SS cho người lao động hội đủ điều kiện, và gia đình, kể cả người góa và con cái (nếu chưa quá tuổi).

7. Hỏi: Chúng tôi sửa sọan ly dị. Chồng tôi muốn ghi vào biên bản thỏa thuận rằng tôi sẽ không lĩnh tiền SS theo lao động của ông ấy. Ông ta có quyền làm như vậy không?

Đáp: Không. Ông ta không có quyền hạn gì về quyền lợi SS của bà cả. Bà vẫn có thể được lĩnh tiền SS như người đã ly dị nếu bà đã lấy ông được ít nhất 10 năm, chưa tái hôn và đã 62 tuổi trở lên nếu tiền hưu do bản thân mình lao động thấp hơn tiền hưu hưởng theo lao động của người chồng đã ly dị.

8. Hỏi: Khi dọn nhà của mẹ tôi sau khi bà qua đời tôi tìm được các ngân phiếu Social Security phát hành trong thập niên 1980. Tôi có quyền “cash” cái check này không?

Đáp: Không. Ngân phiếu SS chỉ có giá trị trong vòng 12 tháng kể từ ngày ký.

9. Hỏi: Tôi và ông bồ chung sống đã 7 năm, nếu ổng qua đời thì tôi có quyền lĩnh SS theo lao động của ông ấy không?

Đáp: Được nếu tiểu bang của bà công nhận hôn nhân ngoài giá thú (common-law marriage) nhưng bà phải có giấy tờ chứng minh được hai người đã chung sống như vợ chồng như ‘Tờ Khai’ có tuyên thệ, giấy mua hoặc thuê nhà, bảo hiểm..

10. Hỏi: Tiền đóng vào quỹ bảo hiểm của tôi có chạy vào chương mục SS cá nhân của tôi và có được trả tiền lời không?

Đáp: Nhiều người tưởng như vậy, nhưng không đúng. Tiền SS vận hành qua hệ thống “pay-as-you-go” nghĩa là ngày nay ta trả tiền SS cho những người đang hưởng tiền SS và các người thụ hưởng khác. 

Người lao động đóng 6,2% tiền lương của mính cho tới mức $106.800 (nghĩa là tiền kiếm được trên con số $106.800 không phải đóng thuế SS nữa), phía chủ nhân cũng phải đóng thuế SS tương tự. Tiền mà thế hệ trẻ đóng sẽ dùng để trả tiền SS cho ta khi ta về hưu.

11. Hỏi: Tôi làm việc ít hơn thời gian quy định để được lĩnh tiền SS. Chồng tôi thì làm việc đủ nhưng ổng đau yếu lắm và không sống được bao lâu nữa. Tôi có được lĩnh tiền SS không?

Đáp: Có. Nhưng tiền SS của bà tùy thuộc vào tuổi và hoàn cảnh.

Nếu bà ở tuổi hưu toàn phần hay già hơn thì bà được lĩnh 100% tiền hưu của người chồng qúa cố. 

Người góa trong khỏang 60 và tuổi hưu toàn phần sẽ được lĩnh tiền SS ít hơn.

12. Hỏi : Có ai không bao giờ đóng tiền cho quỹ SS mà vẫn được hưởng tiền SS không?

Đáp: Tiền SS là trợ cấp do ta đã đóng góp vào quỹ SS. 

Muốn được hưởng tiền SS thì ta phải đóng vào quỹ SS ít nhất 10 năm. Trong vài trường hợp người trong gia đình không lao động như vợ/chồng có thể được lĩnh tiền SS dựa theo lao động của người phối ngẫu. Nhưng chỉ có người cư dân hợp pháp mới được hưởng quyền lợi này.

13. Hỏi: Chồng tôi mới qua đời. Tôi có quyền chọn giữa tiền SS do bản thân tôi làm việc hoặc tiền SS theo lao động của chồng tôi không?

Đáp: Tiền SS theo hồ sơ của người chồng quá cố chỉ được trả khi mình đã 60 tuổi (hoặc 50 tuổi nếu tàn phế). 

Nếu bà đã ở tuổi hưu toàn phần thì bà sẽ được 100% tiền hưu của ông. 

Nếu lĩnh sớm hơn thì tiền SS sẽ bị bớt đi. Khi 62 tuổi mình có quyền chuyển qua tiền hưu theo hồ sơ lao động của bản thân mình. Nhưng trong mọi trường hợp bà chỉ được lĩnh một lương SS mà mình chọn thôi.

14. Tôi bắt đầu lĩnh tiền SS từ khi 62 tuổi nhưng vẫn còn đi làm. Vì tôi vẫn đóng tiền thuế Social Security vậy tiền SS của tôi có tăng lên không?

Đáp: Nếu các năm làm việc cuối là những năm có lợi tức cao nhất thì cơ quan SSA sẽ tự động tính lại để tăng thêm lợi tức SS của mình và tiền SS mới sẽ bắt đầu từ tháng 12 của năm tới.

15. Hỏi: Vợ tôi bắt đầu lĩnh tiền SS khi 62 tuổi dựa theo hồ sơ lao động của bà ấy. Khi tôi về hưu thì vợ tôi có quyền lĩnh tiền hưu theo hồ sơ lao động của tôi không?

Đáp: Nếu bà đủ điều kiện lĩnh tiền SS theo cả hai cách thì SSA sẽ trả tiền SS theo lao động của bà trước rồi sẽ bù thêm phần sai biệt nếu SS lĩnh theo lao động của ông nhiều hơn.

16. Nếu tôi sống hưu ở nước ngòai tôi có thể xin SSA gửi tiền hưu của tôi tới nơi tôi ở không?

Đáp: Nếu là công dân Mỹ , trừ một vài quốc gia , hầu hết ta có thể nhận được “check” gửi đến nơi mình sống hưu hoặc rút tiền từ chương mục của mình nếu check hưu được chuyển thẳng vào chương mục của mình. 

Nếu về hưu ở Cuba hay Bắc Hàn thì tiền hưu bị giữ lại cho đến khi bạn ra khỏi hai nước này và có thể lĩnh tại các quốc gia khác. 

Nếu sống hưu ở Việt Nam thì bạn phải điền mẫu SSA-21 và hàng tháng phải đến sứ quán Mỹ lĩnh “check”. 

Nếu không phải là công dân Mỹ thì thể thức lĩnh tiền SS phức tạp lắm. 

Nếu chưa tới tuổi hưu toàn phần mà làm việc hoặc kinh doanh ở nước ngoài thì phải thông báo cho Sứ quán Mỹ hoặc soở SSA. 

Muốn biết rõ các điều lệ thì xin vào website : www. ssa.gov. rồi click vào phần “Your payment While You Are Outside the United States”

17. Hỏi: Tôi lĩnh tiền SS từ khi 62 tuổi. Tôi nghe nói tôi có thể trả lại tiền SS mà tôi đã lĩnh để sau này lĩnh tiền SS cao hơn. Có đúng như vậy không?

Đáp: Được, nhưng số tiền trả lại nhiều lắm, bao gồm cả tiền người trong gia đình đã lĩnh, tiền Medicare Part B, C và D và tiền thuế không bi khấu trừ. Muốn biết thêm chi tiết xin hỏi nhân viên của SSA.

18. Hỏi: Tôi có quyền vừa lĩnh tiền trợ cấp thất nghiệp vừa tiền SS cùng một lúc không?

Đáp: Được. Tiền trợ cấp thất nghiệp (unemplloyment benefits) không bị SSA coi là tiền thu nhập hàng năm. 

Tuy nhiên tiền trợ cấp thất nghiệp (unemployment benefits) có thể bị cắt nếu ta được lãnh tiền hưu bổng (pension) hay các trợ cấp hưu khác kể cả tiền SS. Nên liên lạc với sở “unemployment office” của tiểu bang mình để biết rõ.

19. Hỏi: Tôi đã 63 tuổi và đang lĩnh tiền SS, nếu tôi đi làm thì tiền SS của tôi có bị cắt không?

Đáp: Tùy vào tiền thu nhập của mình. Nếu trong hạn tuổi từ 62 đến tuổi hưu toàn phần thì nếu thu nhập một năm trên $14,160 thì mỗi $2 kiếm được trên số tiền này tiền SS bị giữ lại $1, đến khi tới năm tuổi hưu toàn phần thí mỗi $3 tiền kiếm được trên số $37,680 thì tiền SS bị giữ lại $1.  

Vào tháng mình tới tuổi hưu toàn phần thì giới hạn này được gỡ bỏ, nghĩa là tiền hưu không bị cắt nữa và SSA sẽ “tính sổ” để bồi hòan số tiền đã bị giữ lại..

20. Hỏi: Năm nay tôi 50 tuổi, liệu khi tôi về hưu thì quỹ SS còn không?

Đáp: Quỹ SS hiện còn $2,5 trillion (1 trillion là 1 ngàn tỷ). Theo tính tóan của Ban quản trị quỹ SS thì quỹ SS có thể tiếp tục chi trả cho tới năm 2037. 

Sau năm đó thì quỹ SS chỉ có khả năng trả 78% trợ cấp SS. Quốc Hội đang vận động để điều chỉnh sao cho quỹ SS có khả năng chi trả đủ cho các năm sau năm 2037. Nghĩa là bạn có thể tạm yên tâm.

* Về tác giả: Ông Hà Ngọc Cư, Giám đốc điều hành văn phòng CISS chuyên về các dịch vụ di dân và tị nạn tại Houston, Texas (số 2701 Fannin, Suite # 100-107, Houston, TX 77002. Ðiện thoại: (713) 651-0371)

Tuổi già lẻ bóng, cô đơn và khát khao tìm tri kỷ (Kỳ 1)

                                         (Hình minh họa: Getty Images)



WESTMINSTER (NV) - “Tôi là một phụ nữ ngoài 60 tuổi, chồng qua đời 10 năm, lẻ loi, không có tài sản, có Medical, không bị các bệnh truyền nhiễm, tự chăm sóc bản thân được, biết lái xe, muốn tìm nơi nương tựa cuối đời. Xin liên lạc về email…”


Nội dung email này, do một độc giả gửi tới tòa soạn, có thể khiến nhiều người bật cười theo nhiều nghĩa khác nhau.

Thế nhưng, đọc thêm một lần, rồi một lần nữa, có thể nghe ra được nỗi gì cô độc đến não nề.

Ngồi xuống nghe tâm tư của những người gần bước đến tuổi 70 hoặc hơn nữa, cả đàn ông lẫn phụ nữ, những người hiện đang lẻ bóng, bởi người phối ngẫu qua đời hoặc ly dị đã lâu, chợt hiểu thêm thật nhiều về nỗi cô đơn cũng như khao khát tìm được người bạn tâm giao, tri kỷ để tìm vui, để nương tựa trong những năm tháng cuối, ray rứt và da diết đến mức nào.



Cảm giác cô đơn, trống rỗng
 
Một nghiên cứu theo dõi hơn 2,000 người trên 50 tuổi trong vòng 6 năm và kết quả nhận được cho thấy nỗi cô đơn làm nguy cơ tử vong tăng lên gấp 2 lần và có nguy cơ chết sớm cao hơn 14% so với người không cô đơn.

Một nghiên cứu khác lại cho thấy 43.2% trong số 1,600 người trên 70 tuổi cho rằng họ cảm thấy cô đơn và thường thiếu bạn tâm giao.

Một nửa trong số những người tham gia khảo sát nói nỗi cô đơn của họ càng hiển hiện rõ hơn vào cuối tuần và ba phần tư trong số đó phải chịu đựng nỗi cô độc khi đêm về.

Bà Mai Phương, 69 tuổi, hiện sống một mình ở Anaheim cũng là người mang trong lòng nỗi trống trải, cô đơn kể từ khi chồng qua đời cách đây hơn 2 năm. Nhìn cách bà đi làm, tham gia những sinh hoạt hội nhóm, bạn bè, khó ai có thể nghĩ được trong bà lại có một góc cô đơn hun hút đến vậy.

“Thời gian ổng mới mất, trong tôi hoàn toàn trống rỗng.” Bà bắt đầu câu chuyện bằng giọng nói buồn và nhẹ hơn bình thường.

Không còn những đêm mất ngủ vì lo lắng cho bệnh tật của chồng. Không còn những thấp thỏm mỗi khi đưa ông vào bệnh viện. Không còn phải suy nghĩ đến chuyện lo hôm nay nấu món gì, ngày mai đổi món nào. Nhưng lấp đầy cho những cái “không còn” đó lại là một khoảng trống đến rợn người.

“Tôi không dám ở nhà một mình, tôi cứ bám víu vào thằng con út khi đó còn ở chung nhà. 

Nó đi đâu tôi theo đó, nó đi ăn sushi ở hướng Nam, tôi đi theo hướng Nam. Nó lái xe ngược hướng Bắc đi uống boba, tôi cũng ngồi xe theo hướng Bắc. Có lúc ngồi trong xe cũng chỉ ngủ gà ngủ gật nhưng mà vẫn cứ leo lên xe con mỗi khi nhìn thấy nó đi đâu, cho dù nó có muốn hay không muốn mang mình theo.” Người đàn bà có đôi môi luôn cười nhưng ánh mắt lại rười rượi, nhớ lại.

Bà biết con bà không thích như thế. Bà biết bà không nên bám theo con như thế. “Nhưng mà... biết làm sao.” Bà Phương cười buồn.

Người phụ nữ có gương mặt phúc hậu này chậm rãi nói tiếp, “Tôi thấy rõ ràng mình mất một chỗ tựa, như thiếu một cây gậy để chống mà đi kể từ lúc ổng mất. Cô đơn lắm!”

Nỗi cô đơn, trống vắng không chỉ ở chỗ thiếu đi một bóng hình, một người hằng ngày ra vào mình trông thấy, nhìn thấy, chuyện trò, mà ngay cả, như bà Phương tâm sự, nhìn những hàng cây khô héo, nhìn bụi vương trong nhà, lại chợt nhớ ra có người đã từng làm thay mình những việc như thế. 

Đó là chưa kể những lúc ngồi lần hồi giải quyết từng cái hóa đơn điện, nước, gas, rác... lại nhớ bao lâu rồi mình không phải làm những việc này.

“Nhiều lúc đang ở sở làm mà nỗi buồn cũng ập đến, tôi phải đi vào trong restroom đứng khóc một mình,” bà kể.

Với bà Kim Lan, 70 tuổi, chồng qua đời đã 16 năm, khi bà mới 52 tuổi, thì nỗi cô đơn, trống trải càng về những năm sau này càng mãnh liệt hơn so với thời gian đầu khi người bạn đời của bà ra đi, bởi “khi đó tôi không có thời gian và tinh thần để nghĩ đến nó. Tôi phải bận rộn trong việc đi làm hai 'job' để kiếm tiền nuôi con, trả tiền nhà.”

 
(Hình minh họa: Uyên Nguyên/Người Việt)


Mặc dù không nhận ra nỗi trống vắng, cô đơn vào thời gian ấy, nhưng bà Kim Lan lại gần như bị rơi vào tình trạng “trầm cảm.” Bà nhớ lại, “Tôi đi làm gần như câm lặng, chỉ có hai câu 'Hi' khi đến và 'Bye' khi về. Trong lòng lúc nào cũng như buồn bực, ray rứt.”

“Tôi cảm thấy như tôi giận chồng tôi rất nhiều. Bởi vì chúng tôi đều thích sống ở miền quê, cả hai hẹn nhau khi nào con ra trường thì sẽ tìm nơi vắng vẻ, thanh tịnh để ở. Vậy mà chưa chi ổng đã bỏ tôi ra đi. Tôi cứ cố nghĩ đến những tính xấu của ông để mà giận thêm. Và tôi trút sự tức giận đó lên các con tôi, như một người điên sẵn sàng la hét cho dù chỉ là một điều nhỏ nhặt.” Bà Lan tiếp tục kể bằng giọng tâm tình khi đêm xuống mỗi lúc một sậm màu hơn.

Rồi thì thời gian đó cũng qua khi bà được bạn bè rủ đi tập Taichi, nghe tiếng người ta trò chuyện, nhìn người ta cười giỡn với nhau, bà Lan tìm lại được nụ cười và tiếng nói của chính mình.

Về hưu ở tuổi 63, bà Lan lại tiếp tục giúp con nuôi cháu. Những niềm vui giản dị này không cho bà có thời gian buồn, sự bận rộn với các cháu khiến bà không thấy lẻ loi.

Tuy nhiên, khi các cháu lớn dần, bà ngoại không còn là người để chúng gần gũi, quyến luyến, và như một lẽ thường tình “càng về già càng thấy hụt hẫng,” bà Lan cảm nhận.

“Nhiều lúc thấy mình bơ vơ, trống vắng, hay có cảm tưởng như mình bị bỏ rơi. Những lúc đau ốm, yếu trong người là lúc cảm thấy cô độc nhất, sợ hãi nhất. Bạn bè đến thăm thì vui, nhưng họ bước chân ra về là mình thấy chơi vơi.” Người phụ nữ có giọng nói của người Hà Nội xưa nói như trải lòng.

Cảm giác lẻ loi, trống trải đến nao lòng đó không chỉ là cảm nhận của riêng phụ nữ mà đàn ông vẫn không làm sao thoát được những lúc nỗi cô đơn ùa đến, bủa vây.

“Một sự trống vắng lạ lùng lắm, cứ như mình bị rớt vào khoảng không nào đó, chới với” là điều mà ông Vương Văn Chương cảm nhận được từ khi vợ ông qua đời, cách đây “3 năm 9 tháng.”

Ông Chương năm nay 72 tuổi, hiện ở Garden Grove, sống cùng con cháu kể từ khi vợ mất, bởi “sống trong ngôi nhà cũ, nhìn đâu cũng thấy bóng hình vợ tôi, buồn lắm, chịu không được.”

Ông Chương kể, “Vợ tôi đi làm suốt 29 năm, khi vừa về hưu được hai tháng, đang lên kế hoạch đi du lịch đây đó thì phát hiện bị ung thư bao tử giai đoạn cuối. Năm tháng sau thì vợ tôi mất.”

Sự ra đi của người bạn đời đã đồng hành cùng ông suốt 42 năm, người cùng ông trải qua chuyến vượt biển thập tử nhất sinh vào năm 1977 với 27 ngày trôi trên biển cho đến khi được tàu cứu vớt, rồi sang Mỹ vui buồn, sướng khổ có nhau, để lại trong lòng người đàn ông này một khoảng trống mênh mông.

Ông Chương dọn về ở với gia đình con trai, như một sự trốn chạy những kỷ niệm, dù vậy, ông vẫn cảm thấy “rất cô đơn, nhất là khi đêm về, lúc con cháu đi vắng, tất cả đều im ắng.”

“Đó là nỗi cô đơn của sự thiếu một vòng tay, một giọng nói, một cái hôn, mà ở người đàn ông thì họ lại thích có những cái vuốt ve mơn trớn, giờ thiếu hết tất cả. Thiếu nhiều lắm, một sự trống vắng lạ lùng lắm, cứ như mình bị rớt vào khoảng không nào đó, chới với.” Ông Chương mô tả.

Trong cuốn “Loneliness (Nỗi cô đơn)”, ông John Cacioppo, nhà tâm thần học của trường Đại Học Chicago, nói rằng, “Nỗi đau của sự cô đơn cũng giống như nỗi đau thể xác vậy.”

Nghiên cứu của trường Đại học UC San Francisco cũng đưa đến những ngạc nhiên bất ngờ khi biết rằng không chỉ ở một mình người ta mới thấy cô đơn. Trong số 43% người già cho rằng mình cô đơn thì chỉ có 18% sống một mình.

Với người lớn tuổi, cảm giác lẻ loi có thể hủy hoại tinh thần, sức khỏe nhiều gấp đôi so với chứng bệnh béo phì.

Chính vì điều này mà người già lẻ bóng vẫn luôn khao khát tìm được một người bạn tâm giao, tri kỷ để nương tựa khi tuổi về chiều.


Theo Người Việt

 
(Kỳ 2: Nỗi khát khao tìm tri kỷ của người già cô đơn)
 
Copyright © 2013 Tuổi già & bạn | Powered by Blogger